Nhiều trường hợp không thể định danh được do quy định mới cần chủ xe cũ có mặt để hoàn tất các thủ tục.
Ngày 15-8, Thông tư số 24 của Bộ Công an về cấp, thu hồi, đăng ký biển số xe cơ giới chính thức có hiệu lực. Theo đó, biển số ô tô, xe máy sẽ được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe, còn gọi là biển số định danh.
Do chưa nắm rõ quy định
Theo ghi nhận, từ sáng sớm 15-8, đông đảo người dân đã có mặt tại Cơ sở đăng ký xe số 2 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) để làm thủ tục đăng ký, thu hồi đăng ký, biển số ô tô. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đã xuất hiện một số trường hợp chủ phương tiện không thể định danh được do quy định mới cần chủ xe cũ có mặt để hoàn tất các thủ tục.
Ông Phạm Quang Đản (trú phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), cho biết hơn một năm trước, ông mua chiếc Toyota đời cũ từ một người quen. Lúc đó, xe gắn biển năm số có “tổng 10 nước” mà ông Đản quan niệm là biển số đẹp. Từ sáng sớm, ông Đản mang hồ sơ gồm hợp đồng mua bán, giấy tờ thuế và tài liệu thể hiện việc mua bán xe giữa ông và chủ cũ đến làm thủ tục. Tuy nhiên, khi nghe cán bộ nơi đăng ký xe giải thích về Thông tư 24/2023 khiến ông Đản “ngỡ ngàng”. “Cơ quan chức năng yêu cầu chủ cũ của xe phải có mặt để làm thủ tục thu hồi biển số đã cấp rồi tôi phải bấm lại biển số mới để định danh. Thời gian qua bản thân không tìm hiểu nên không nắm được quy định về việc hết ngày 14-8 những xe chưa kịp sang tên đổi chủ thì biển số đã cấp sẽ mặc định định danh cho người chủ cũ” – ông Đản than phiền.
Tại Đội Đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt, Công an TP HCM), Đội CSGT – Trật tự Công an TP Thủ Đức, TP HCM, từ sáng sớm lượng người đến làm thủ tục đăng ký, thu hồi đăng ký, biển số… rất đông. Ông Nguyễn Xương Quân (ngụ quận 1, TP HCM) vừa bấm được biển số đẹp cho chiếc Mazda mới “tậu”. Cầm giấy hẹn nhận kết quả đăng ký cho ô tô của mình, ông Quân bày tỏ: “Tôi đến đây làm thủ tục đăng ký mới lúc 8 giờ, khoảng 1 giờ sau thì hoàn tất. Tôi rất vui vì bấm được biển số đẹp. Đặc biệt biển số này sẽ gắn bó cùng mình suốt đời nên càng phấn khởi hơn nữa” – ông Quân chia sẻ.
Ông Bùi Nguyễn Hoàng Quân (ngụ quận 3, TP HCM) cho biết ông rất vui vì đã hoàn tất thủ tục định danh, được biển số xe trong ngày. “Tôi rất ủng hộ quy định định danh biển số vì thấy rất hay, hiện đại, bắt kịp xu thế phát triển của xã hội. Chẳng hạn như sau khi người dân định danh hết biển số thì ý thức tuân thủ an toàn giao thông sẽ tăng lên bởi vì người vi phạm sẽ không thể thoát được phạt nguội” – ông Quân nói.
Tuy nhiên, có không ít người phải gác công việc để đi định danh biển số nhưng không thành công. Có mặt tại đây, vợ chồng ông Dương Quốc Phong (ngụ quận 3) cho biết hồ sơ của ông chưa thể đăng ký do ô tô của vợ chồng ông mua bán bằng hợp đồng ủy quyền nên không thể sang tên đổi chủ. “Xe mua bán năm 2020 bằng hợp đồng ủy quyền, không phải hợp đồng mua bán nên bây giờ cán bộ hướng dẫn phải về làm hợp đồng mua bán để có giấy đăng ký xe (cà vẹt) mang tên tôi, sau đó mới đi làm định danh được” – ông Phong cho biết.
Về trường hợp của ông Nguyễn Văn Sơn (ngụ quận Bình Thạnh), cán bộ CSGT cho biết ông phải liên hệ với chủ xe cũ để làm hợp đồng mua bán xe vì xe của ông mua bán bằng hình thức hợp đồng ủy quyền. Thêm vào đó, do người con mà ông Sơn muốn chuyển quyền sở hữu xe đang sống tại quận 8 nên ông sang quận 8 làm thủ tục.
Lấy người dân làm trung tâm
Trung tá Tạ Quang Minh, Tổ trưởng Cơ sở đăng ký xe số 2, cho biết trong ngày đầu thực hiện Thông tư 24, lượng phương tiện được đưa đến sang tên, xin cấp lại giấy đăng ký tăng cao. Nhiều người đã quyết định đến làm thủ tục từ hôm trước để sáng sớm 15-8 được cấp biển số định danh.
Theo trung tá Tạ Quang Minh, trong ngày đầu tiên do có nhiều thay đổi cách làm thủ tục nên người dân không tránh khỏi lúng túng, thắc mắc và phải chờ sự hướng dẫn của CSGT, mất nhiều thời gian. Một số trường hợp vì mua bán xe đã lâu nên không tìm được chủ cũ để sang tên đổi chủ, trước khi làm định danh biển số, cán bộ CSGT đã hướng dẫn người dân làm thủ tục phù hợp. Theo trung tá Minh, trong ngày đầu ô tô, xe máy được quản lý theo mã định danh, lực lượng chức năng đã chuẩn bị phần mềm đăng ký xe, cùng hàng ngàn bộ hồ sơ gốc để nhanh chóng tích hợp biển số xe vào mã số định danh.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), cho biết thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an lấy người dân làm trung tâm phục vụ, làm nguồn lực, động lực trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông thì Thông tư 24/2023 có 3 điểm mới so với thông tư trước đây. Theo đó, mỗi người dân có số định danh cá nhân để gắn với biển số xe của mình. Qua đó, nâng cao được quyền của chủ phương tiện, nâng cao ý thức tự giác khi tham gia giao thông và phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, người dân có thể đăng ký xe ở cư trú (thường trú, tạm trú), tức là người dân có CCCD đều có thể đăng ký xe. Cuối cùng, là thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đo lường sự hài lòng của người dân, Bộ Công an đã tiến hành số hóa hồ sơ. Khi người dân mua bán, sang tên chuyển chủ thì đều có dữ liệu hồ sơ điện tử, việc thực hiện thủ tục được nhanh chóng.
Đà Nẵng: Hệ thống mạng bị quá tải Trưa cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng, cho biết ngày đầu áp dụng biển số định danh, tại một số điểm cấp đổi biển số xuất hiện tình trạng tồn đọng, ùn ứ hồ sơ cục bộ. “Phòng CSGT tập trung 100% cán bộ để hướng dẫn, giúp người dân xử lý việc cấp đổi biển số định danh. Nhưng hệ thống có lúc quá tải do lượng truy cập quá nhiều. Hệ thống cứ “quay vòng vòng” khiến việc xử lý bị chậm trễ” – đại tá Truyền nói. |
Theo Nguyễn Hưởng – Ý Linh (Người lao động)