Với những cảnh quan và kiến tạo địa chất điển hình, những cung đường núi tuyệt đẹp, nắng trải vàng trên các đỉnh núi, ruộng bậc thang trùng điệp, cánh đồng hoa cải đẹp mê hồn cùng bản sắc văn hóa dân tộc vùng cao khiến Cao nguyên đá Đồng Văn luôn có sức hút vô cùng thú vị với du khách, đặc biệt là những người thích du lịch trải nghiệm.
Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là Công viên Địa chất Toàn cầu duy nhất tại Việt Nam và thứ hai của Đông Nam Á được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (UNESCO) chính thức công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu từ năm 2010.
Từ thị xã Hà Giang, theo quốc lộ 4C đoạn đường 43km du khách sẽ tới huyện Quản Bạ, tiếp tục theo con đường này qua đèo Cán Tỷ hiểm trở, rồi những cánh rừng thông đại ngàn, những con dốc quanh co, uốn lượn, du khách lần lượt được đặt chân tới các huyện Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc để khám phá cao nguyên đá Đồng Văn.
Nằm ở độ cao trung bình 1.000 – 1.600m so với mực nước biển, Cao nguyên đá Đồng Văn (hay còn gọi là Sơn nguyên Đồng Văn) trải dài diện tích gần 2.356km² thuộc 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc, trong đó huyện Đồng Văn là vùng lõi. Nơi đây có những dải núi đá tai mèo sắc nhọn, những khe núi sâu và hẹp, những vách núi dựng đứng cao vút, các chóp núi như kim tự tháp, các trũng sâu hun hút, và những hang động bí ẩn… tạo nên vẻ đẹp kỳ vĩ, lạ thường.
Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ quả đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa. Cao nguyên đá Đồng Văn là sự hội tụ của những sự độc đáo, từ diện mạo địa chất khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên phong phú cho đến bản sắc văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Không những thế, Cao nguyên đá Đồng Văn cũng là nơi hội tụ của những di tích, danh thắng “độc nhất vô nhị” như: Cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, làng cổ Lũng Cẩm, đèo Mã Pì Lèng…
Khu di tích kiến trúc nhà Vương là công trình độc đáo, được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, mô phỏng theo kiến trúc Trung Quốc (đời Mãn Thanh) với những đường cong, nét lượn, trạm trổ tinh xảo. Đây không chỉ là dinh thự mà còn là pháo đài phòng thủ giữa cao nguyên đá trong thời kỳ lịch sử. Nhà Vương có diện tích trên 1.000 mét đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Khu dinh thự này đã được trùng tu lại và trở thành một điểm nhấn độc đáo trong chuyến du lịch đến cao nguyên đá Đồng Văn.
Phố cổ Đồng Văn là dãy phố dài gần một km được hình thành cách đây gần một thế kỷ, với những nét kiến trúc đặc trưng của đồng bào vùng cao với nhà trình tường, mái ngói âm dương, nền lát đá… Điểm nhấn và bắt đầu của dãy phố là khu chợ cổ, được xây bằng đá mái lợp ngói âm dương. Phố cổ Đồng Văn còn hơn 40 ngôi nhà 100-300 tuổi, trong đó ngôi nhà của dòng họ Lương được xác định là lâu đời nhất. Những đêm rằm, toàn bộ dãy phố được thắp sáng bằng những chiếc đèn lồng đỏ với nhiều kích cỡ, phục vụ ẩm thực và các hoạt động văn hóa khác.
Cột cờ Lũng Cú là điểm du lịch mang ý nghĩa lịch sử thiêng liêng. Đứng trên đỉnh Lũng Cú, có thể nhìn bao quát quanh cảnh hùng vĩ xung quanh. Cột cờ Lũng Cú nằm ở độ cao trung bình 1.600 mét so với mặt biển, bên trái là thung lũng Thèn Ván, bên phải là đầu nguồn dòng sông Nho Quế bắt đầu từ Vân Nam Trung Quốc đổ về Đồng Văn, Mèo Vạc.
Bãi đá cổ, di chỉ khảo cổ: Cách trung tâm huyện Xí Mần khoảng 17 km, là quần thể những tảng đá có khắc những dấu hiệu trên đó mà theo các nhà khoa học, những hình khắc đó đã có niên đại 2.000 năm. Bãi đá có khoảng 7 phiến đá lớn và 2 cự thạch (tảng đá cực lớn) trên đó có khắc vẽ khoảng 80 hình đa dạng… Bãi đá khắc cổ là địa điểm hấp dẫn đối với các nhà khoa học và du khách ưa khám phá, tìm hiểu lịch sử.
Đèo Mã Pì Lèng – một trong “tứ đại đỉnh đèo” của vùng núi phía Bắc Việt Nam, với những lớp đá, lớp núi lô xô trùng điệp. Đứng trên đỉnh dốc Mã Pì Lèng, dòng sông Nho Quế xanh biếc như một dải lụa vắt qua núi tạo nên vẻ đẹp kỳ ảo và nên thơ cho mảnh đất này. Cao nguyên đá Đồng Văn đẹp đến ngỡ ngàng với những ngôi nhà trình tường (nhà làm bằng đất), hàng rào bằng đá bên những đồi ruộng bậc thang xanh mướt tương phản giữa bạt ngàn đá vôi, trong bồng bềnh sương khói trông như một bức tranh thủy mặc khổng lồ.
Mã Pì Lèng nối liền Đồng Văn và Mèo Vạc, nằm vắt mình cheo leo qua dãy núi đá dựng đứng giữa trời. Vào những ngày nắng đẹp, du khách sẽ có cảm tưởng như mình đạp mây và đội trời bởi lúc đó cả con đèo được bao phủ bởi tầng tầng lớp lớp mây trắng xóa… Cái cảm giác ngồi bên vệ đường, bên sườn núi heo hút gió, bên cái lởm chởm của những vách đá, khi chiều xuống dần ánh hoàng hôn rớt nhẹ, hay đôi khi có những tia nắng cố vươn mình qua những đám mây chiếu xuống dòng Nho Quế… Đơn giản vậy thôi mà Mã Pì Lèng làm cho những người đam mê chưa được đến thì ao ước một lần, những người đến rồi thì muốn đến lại nhiều lần nữa.
Ngoài giá trị địa chất, giữa muôn trùng núi đá kỳ vĩ, vùng đất này còn là nơi chung sống của đồng bào các dân tộc như: Mông, Dao, Tày, Nùng, Lô Lô, Pu Péo… trong đó ẩn dấu nhiều truyền thống văn hóa đặc sắc, thể hiện rõ nét qua các lễ hội như Lễ hội Gầu Tào của người Mông, Lễ cúng Thần rừng của người Pu Péo, Lễ cúng Tổ tiên của người Lô Lô, lễ Cấp sắc của người Dao… Tính độc đáo của văn hóa các tộc người trên cao nguyên đá Đồng Văn còn thể hiện ở các buổi chợ phiên. Không giống các phiên chợ miền xuôi, chợ phiên ở đây không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động kinh tế mà còn là nơi giao lưu sinh hoạt văn hóa tinh thần. Những phiên chợ lùi, chợ lẻ, chợ theo các ngày con giáp và đặc biệt là chợ tình Khâu Vai luôn là điểm nhấn khi nhắc đến bức tranh văn hóa Hà Giang.
Không chỉ nổi danh là xứ sở của đá, Cao nguyên Đồng Văn còn khoác lên mình vẻ đẹp thơ mộng, nhất là vào mùa xuân, khi hoa cải rực vàng chân núi, hoa đào đỏ thắm những mái ngói rêu phong. Từ thung lũng sâu, tiếng khèn Mông lảnh lót gọi hoa lê, hoa mận nở trắng xóa một vùng hoang sơ. Và mùa thu từ tháng 10 kéo dài đến tháng 12 dương lịch, tiết trời ướm lạnh, những vệt nắng vàng vấn vương trên mọi ngả đường, cũng là lúc những cánh đồng hoa tam giác mạch nở rộ khắp Cao nguyên đá Đồng Văn, mời gọi những bước chân lên đường thưởng ngoạn.
Sự hùng vĩ của núi rừng, phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng cùng nền văn hóa và lòng hiếu khách của con người trên Cao nguyên như lời mời gọi du khách gần xa hãy một lần tới với Hà Giang để trải nghiệm và khám phá vẻ đẹp đầy hoang sơ, hùng vĩ nơi biên cương của Tổ quốc